Một đôi môi đẹp ngay cả sau khi tẩy trang, vừa căng mọng, vừa hồng hào chắc hẳn là mong ước của rất nhiều bạn. Tuy nhiên, nhiều bạn không đủ điều kiện để đến các cơ sở thẩm mỹ, hay đơn giản bạn ấy yêu thích các sản phẩm từ thiên nhiên.
Vì lý do này, bài viết Cách trị khô môi nứt nẻ, bong tróc và thâm sạm từ thiên nhiên ngay tại nhà của Siêu thị mỹ phẩm TEMA được ra đời nhằm làm rõ nguyên nhân khiến môi bạn bị khô và thâm sạm, từ đó có biện pháp phòng tránh đúng cách. Đồng thời, cung cấp một số cách trị khô môi phổ biến và hiệu quả trong công cuộc “hồi xuân” cho đôi môi của chúng mình.
Nguyên nhân khiến môi khô, nứt nẻ và bong tróc
Có rất nhiều nguyên nhân có thể làm đôi môi của bạn trông kém xinh. Muốn đẹp lâu bền, chắc chắn bạn cần phải tìm cho ra nguyên nhân đã tàn phá đôi môi của mình, phổ biến như:
Do khí hậu, thời tiết
Đây là nguyên nhân phổ biến nhất tại Việt Nam, đặc biệt là ở miền Bắc do thời tiết thay đổi thường xuyên.
Thời tiết quá khô, quá lạnh hay quá nóng đều là những nguyên nhân gây ra tình trạng mất nước ra môi trường (do da môi rất mỏng và không chứa các tuyến dầu như nhiều vùng da khác trên cơ thể nên khả năng giữ nước kém, đồng thời cũng là bộ phận không quá quan trọng trong cơ thể nên không được cơ thể ưu tiên cấp nước). Ngoài ra, trời nắng còn bị ảnh hưởng của tia cực tím, nguyên nhân chính gây sạm da (kể cả da môi).
Do chế độ ăn uống không hợp lý
Chế độ ăn ảnh hưởng rất lớn đến cơ thể, điều này chắc hẳn bạn hiểu rõ, nhưng vẫn lơ là, do chưa nghiêm túc nhìn nhận về vấn đề dinh dưỡng đối với sức khỏe.
Trong các vấn đề về môi kể trên, chất dinh dưỡng thường được người ta nghĩ đến nhất là thiếu hụt Vitamin B2 – gây ra tình trạng khô, bong tróc da và ngứa ngáy. Ngoài ra, có thể do bạn tiêu thụ quá nhiều Vitamin A, trên 25.000 IU mỗi ngày có thể gây khô môi.
Bên cạnh những nguyên nhân phổ biến trên, một số loại thực phẩm cũng có thể gây kích ứng môi khiến chúng bị khô, phổ biến do một số loại acid thuộc: họ Cam, Cà chua.
Ngoài ra, thành phần Cinnamates trong một số bánh kẹo, kẹo cao su hay kem đánh răng cũng có thể gây kích ứng dẫn đến khô và bong tróc môi.
Do di truyền
Nguyên nhân này thường ít gặp. Một số bệnh thường gặp nhất như vảy nến, bệnh tuyến giáp, đái tháo đường hay bệnh Perleche… có thể khiến môi bạn trở nên khô ráp, lở loét. Nếu nghi ngờ mắc phải bệnh lý, bạn nên đến hỏi ý kiến nhân viên y tế để được xử lý đúng cách..
Do dùng son môi không đảm bảo
Tương tự như các sản phẩm dùng cho da mặt, trong son chứa một số chất như Phenol, Menthol, Vitamin E… cũng có thể gây kích ứng môi một số người. Ngoài ra, son chứa cồn khô còn có thể dẫn đến khô môi.
Đặc biệt, son chứa chì – chất độc có thể hấp thụ được qua da sẽ gây thâm da, khiến da nhanh lão hóa. Tuy nhiên, chì là thành phần tạo nên màu sắc cho son và nó chỉ gây ra tình trạng xấu nếu vượt quá lượng cho phép. Vì vậy, bạn nên cẩn trọng với những loại son chứa dư lượng chì vượt mức, chứ không cần thiết phải tẩy chay hoàn toàn.
Và đặc biệt, chú ý tẩy trang đầy đủ và cẩn thận cho môi, để tránh để son quá lâu trên môi có thể gây tích lũy các chất.
Do xăm môi
Bản thân việc xăm môi không có nhiều vấn đề. Mà vấn đề chủ yếu do: Sau khi xăm môi, nếu bạn không sử dụng kem dưỡng ẩm chuyên dùng cho môi xăm thì da môi sẽ bị khô; Hoặc hóa chất sử dụng trong xăm môi không đảm bảo chất lượng, điều này bạn chỉ có thể phòng tránh bằng cách đặt niềm tin của mình ở cơ sở uy tín, chuyên nghiệp.
Do thói quen liếm môi
Khi bạn cảm thấy da môi khô và có dấu hiệu bong tróc, phản xạ tự nhiên thường là liếm môi với mong muốn cấp ẩm cho môi từ bên ngoài, nhưng điều này hoàn toàn không có ích cho môi của bạn. Thành phần trong nước bọt khi tiếp xúc với không khí sẽ làm môi bạn bị co lại, khô và thô ráp hơn. Bạn nên chuẩn bị sẵn son dưỡng ẩm mang theo thay vì liếm môi nhé.
Xem thêm: Bỏ túi tips trị mụn thâm, mụn đầu đen tại nhà bằng trứng gà hiệu quả
Cách trị môi khô, bị thâm bằng nguyên liệu tự nhiên ngay tại nhà
Trị khô môi có rất nhiều cách, thông thường sẽ lựa chọn son dưỡng môi do đặc tính tiện lợi của nó. Các sản phẩm từ thiên nhiên tuy cần thêm công đoạn sơ chế, nhưng hiệu quả, chất lượng và giá thành thì thực sự tuyệt vời.
Cách trị môi nứt nẻ bằng dầu oliu, dầu dừa và mật ong
Dầu dừa (Coconut Oil) là một trong những thành phần tự nhiên tuyệt vời cho việc dưỡng ẩm, nó phù hợp với mọi loại da mà không có tác dụng phụ, chứa chủ yếu là acid béo chuỗi trung bình (MCFAs)
Dầu dừa chứa rất nhiều thành phần giúp cấp ẩm và khóa ẩm tốt, đại diện như Acid béo, Vitamin E, Acid lauric…
- Acid béo: có đặc tính là thân dầu, giúp hoạt chất dễ hấp thu vào da và tăng cường trao đổi chất.
- Vitamin E, K và các khoáng chất: là các chất chống oxy hóa, đồng thời các khoáng chất có lợi giúp cơ thể hoạt động trơn tru hơn, hạn chế hình thành nếp nhăn, mang lại làn da khỏe mạnh.
- Acid Lauric – thành phần acid chủ yếu trong dầu dừa: có tác dụng giảm viêm nhờ khả năng kháng khuẩn và làm tăng khả năng miễn dịch.
Mật ong nổi bật với khả năng chống oxy hóa, làm dịu da, kết hợp với Acid béo trong dầu oliu làm tăng cường cung cấp dưỡng chất nuôi dưỡng da.
Cách sơ chế: Trộn 1 thìa dầu dừa, 1 thìa dầu oliu với ¾ thìa cà phê mật ong, sau đó thoa đều lên môi và để qua đêm hoặc 20 – 30 phút rồi rửa sạch.
Nếu bạn dị ứng với phấn hoa thì không nên thêm mật ong.
Trị khô môi bằng nha đam
Nha đam hay Lô hội (Aloe Vera) là một trong những nguyên liệu làm đẹp từ thiên nhiên được sử dụng phổ biến và lâu đời nhất: Trung Quốc và Ai cập cổ đại đã từng sử dụng Nha đam để trị bỏng, làm dịu vết thương và hạ sốt; Alexander Đại đế theo lời khuyên của Aristotle đã sử dụng nha đam để điều trị cho thương binh; Cleopatra sử dụng nha đam như thành phần không thể thiếu trong chăm sóc da hằng ngày; Năm 1945, Người dân Nhật Bản cũng sử dụng Gel nha đam để chữa thương và giảm sẹo.
Gel nha đam chứa hơn 200 loại dưỡng chất, đại diện như Vitamin A, C, E, B1, Saponin, các acid amin… tác dụng tốt trong làm dịu da, trị viêm da, chữa bỏng, ngăn ngừa sự xâm nhập của độc tố và vi khuẩn. Đặc biệt, thành phần quan trọng nhất trong làm đẹp là Anthraquinon (Gồm Aloin có tác dụng kháng khuẩn, Barbaloin từ 15 – 30% có vai trò giữ ẩm cho da và Emodin với công dụng chống lão hóa).
Dược tính trong dưỡng da: Nha đam được chứng minh có tác dụng se khít lỗ chân lông, làm ẩm và tăng đàn hồi da (theo tiến sĩ Ivan Danhof là do khả năng kích thích sản xuất tế bào sợi collagen nhanh hơn 6 – 8 lần); tác dụng hỗ trợ chống oxy hóa cho da (nhờ Vitamin E, C, Saponin chống lại các gốc tự do, làm chậm quá trình oxy hóa); có đặc tính kháng khuẩn tốt nên hỗ trợ trong điều trị mụn, tăng tuần hoàn máu vi mạch nên làm lành vết thương nhanh hơn, kích thích lên da non và lành sẹo, ngoài ra còn có khả năng chống nắng. Đồng thời, pH của gel nha đam cũng gần với pH trên da, giúp tạo điều kiện tốt nhất cho một làn da khỏe mạnh.
Cách sơ chế: Lấy một nhánh nha đam tươi, rửa sạch, loại vỏ xanh bên ngoài, ép lấy nước rồi lọc qua hai lớp vải bông mịn, lấy gel thoa đều lên môi. (Nếu bạn muốn dùng cho mặt, cần cho thêm 4 – 5 giọt nước sạch kết hợp với 2 – 3 giọt gel nha đam). Dung dịch này nên dùng trong 4 – 5 ngày và nên bảo quản trong tủ lạnh, kín nắp.
Đơn giản hơn, bạn có thể ép lấy nước nha đam, thấm dung dịch lên môi bằng bông gòn.
Hai cách trên đều nên để 20 – 30 phút trên môi rồi rửa sạch với nước.
Cấp ẩm cho môi bằng hoa hồng
Hoa hồng từ lâu đã được người dân sử dụng với công dụng dưỡng da (đặc biệt là tầng lớp địa chủ, quý tộc). Hoa hồng được biết đến do chứa nhiều chất như Vitamin C, Vitamin nhóm B, Vitamin K, Carotene… giúp chống oxy hóa, se khít lỗ chân lông, kháng viêm, làm mịn và mờ thâm, dưỡng ẩm tốt…
Cách sơ chế: Ngắt cánh hoa khoảng hai bông hồng (đảm bảo sạch, không phun thuốc bảo vệ thực vật), rửa sạch với nước, chờ cánh hoa ráo nước, ngâm với sữa tươi trong 3 tiếng rồi vớt ra, dùng máy xay nghiền nát cánh hoa (có thể thêm mật ong, nước cốt chanh để tăng tác dụng tẩy tế bào chết) hoặc (trộn sữa tươi, bột nghệ để tăng tác dụng làm mờ thâm, làm mềm da) để tạo thành mặt nạ ủ môi. Đắp lên môi trước khi ngủ và để khoảng 20 – 30 phút, sử dụng khoảng 3 lần mỗi tuần.
Làm môi tươi sáng bằng dưa leo
Dưa leo (Cucumis Sativus, Cucumber) là thực phẩm quá đỗi thân thuộc trong đời sống hằng ngày. Ngoài vai trò làm thức ăn, chúng cũng có thể sử dụng với mục đích làm đẹp nhờ chứa một số chất có khả năng chống lão hóa như Cucurbitacins, Cucumerin, Vitamin C, Vitamin K, Vitamin A (Retinol) giúp ích trong điều trị vết thâm nhờ khả năng kiểm soát lượng melanin. Ngoài ra, dưa leo còn có Vitamin B5 – Acid Pantothenic có tác dụng giữ ẩm.
Cách sơ chế: Bạn có thể nghiền mịn dưa chuột hoặc thái lát mỏng, đắp trực tiếp lên môi (hoặc những vùng bị thâm). Chú ý dưa chuột cần đảm bảo sạch, không phun thuốc.
Trị môi khô, sần với mật ong
Mật ong từ lâu đã được sử dụng phổ biến trong nhiều loại mỹ phẩm chăm sóc da nhờ chứa khoảng 2% khoáng chất và nhiều loại Vitamin tốt cho sắc đẹp như Vitamin B2, Vitamin B3, Vitamin B6, Vitamin B9, Vitamin C… cùng với hàm lượng nhỏ chất chống oxy hóa, chất kháng khuẩn và chất chống viêm.
Mật ong có khả năng dưỡng ẩm khá tốt (theo cơ chế hút ẩm), đồng thời có khả năng tẩy tế bào chết, kích thích tăng sinh tế bào (nhờ có Acid Malic và Acid Alpha Hydroxy.
Cách sơ chế: Dùng luôn mật ong tự nhiên, bôi lên môi trước khi đi ngủ, để nguyên đến sáng hôm sau hoặc để ít nhất 30 phút nếu bạn không muốn lưu lại lâu trên môi.
Trị khô môi bằng dầu thầu dầu
Dầu thầu dầu là dược liệu khá độc đáo, một trong những cây được trồng lâu đời nhất của loài người. Dầu thầu dầu chứa nhiều acid béo trung tính (gần 90% trong số đó là Acid Ricinoleic), flavonoid, acid amin, terpenoid… nhờ đó mà nó được dùng trong hơn 700 loại mỹ phẩm.
Trong suốt lịch sử từ Ai cập cổ đại, dầu thầu dầu đã được sử dụng với vai trò kháng khuẩn, sau này còn phát hiện thêm vai trò chống viêm, chống oxy hóa, làm lành vết thương, dưỡng ẩm cho da…
Cách sơ chế: Trộn đều 1 thìa dầu thầu dầu với 1 thìa Glycerin (có thể đến các hiệu thuốc), nhỏ thêm chanh tươi. Sau đó thoa đều lên môi, để qua đêm, làm sạch với nước ấm khi ngủ dậy. Nếu kiên trì áp dụng, đôi môi của bạn không những không còn khô ráp mà còn mịn màng, hồng hào trông thấy.
Xem thêm: Top 10+ kem dưỡng ẩm cho da dầu mụn hiệu quả nhanh chóng
Một số mẹo để tránh bị khô môi, nứt nẻ
Bổ sung vitamin B2 cho cơ thể
Vitamin B2 (Riboflavin) có vai trò rất quan trọng trong cơ thể, trong đó có vai trò giữ cho làn da khỏe mạnh.
Thiếu hụt Vitamin B2 được gọi là Ariboflavinosis, gây ra nhiều triệu chứng như Viêm môi góc cạnh hoặc nứt ở khóe miệng, nẻ môi, da khô, viêm niêm mạc miệng, loét miệng, viêm da bìu…
Tuy nhiên, Vitamin B2 thuộc loại tan được trong nước, bạn có thể bổ sung bằng nhiều con đường như:
- Bổ sung Vitamin B2 theo đường uống: Đa số sản phẩm có thể sử dụng không cần đơn thuốc thường là thực phẩm chức năng, chứa kèm nhiều thành phần khác. Vì vậy, bạn nên kiểm tra kỹ xem bản thân có bị dị ứng với thành phần nào không? Nếu xảy ra biểu hiện bất thường, hãy dừng uống và báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất. Một số sản phẩm chứa Vitamin B2 như: Thực phẩm chức năng Cardioace, Thực phẩm chức năng Perfectil for Skin, hair and Nails hay Bocalex Multi…
- Bổ sung Vitamin B2 qua thực phẩm: Các loại thực phẩm giàu Vitamin B2 như: Cá, thịt bò, gia cầm, trứng, sản phẩm từ sữa, măng tây, atiso, bơ, cây phúc bồn tử, ngũ cốc, táo bẹ, đậu hà lan, nấm, mùi tây, bí ngô, khoai lang, các loại rau họ cải, rau bina, bánh mì…
Uống đủ nước mỗi ngày
Chắc chắn rồi, 70% cơ thể con người là nước, nước đảm bảo toàn bộ hoạt động trong cơ thể diễn ra một cách trơn tru. Nếu không cung cấp đủ nước, cơ thể sẽ tự điều chỉnh bằng cách ưu tiên cấp nước cho những cơ quan trọng yếu trong cơ thể, da không được ưu tiên nên sẽ trở nên khô ráp. Và nước không phải là thành phần tích lũy, vì vậy, vì sức khỏe và sắc đẹp của bạn, hãy đảm bảo uống đủ nước mỗi ngày, bạn nhé!
Tránh sử dụng son môi kém chất lượng
Sử dụng son môi kém chất lượng không những khiến cho môi bạn bị xỉn màu, mất nước, mà còn có thể ảnh hưởng sâu vào trong cơ thể bạn (do da môi rất mỏng, các chất độc có thể hấp thu vào máu, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng). Vì vậy, đừng vì bất cứ lý do gì mà không kiểm tra kỹ sản phẩm dùng cho chính mình!
Tẩy da chết cho môi
Cũng tương tự như da mặt, da môi cũng được thay mới liên tục hằng ngày. Nếu không được loại bỏ lớp da chết, môi bạn trông sẽ kém sắc, nhăn nheo, kém hấp dẫn.
Ngoài ra, tẩy da chết cho môi còn giúp kích thích môi sản sinh tế bào mới, giúp môi nhanh chóng được thay lớp áo tươi sáng hơn.
Bạn có thể tẩy da chết cho môi bằng một số sản phẩm chuyên dụng trên thị trường như: Mặt nạ ngủ Laneige, Tẩy tế bào chết cho môi Innisfree Lip Scrub, The Face Shop Lip Scrub, MAC Lip Scrub Sweet Vanilla, Clinique Sweet Pots Sugar Scrub & Lips Balm… hoặc sử dụng các sản phẩm từ thiên nhiên có công dụng tẩy tế bào chết mà tôi đã đề cập ở trên.
Không liếm môi
Môi bạn khô và bong tróc, bạn nghĩ rằng liếm môi sẽ giúp cấp ẩm tạm thời cho môi? Kết quả là môi bạn ẩm được chút, sau đó lại càng khô hơn.
Tại vì sao? Do nước bọt chứa Amylase – một loại enzyme có tác dụng thủy phân tinh bột. Enzyme này khi tiếp xúc với không khí sẽ khiến môi bị co lại, khô hơn và thô ráp.
Đồng thời, da môi rất mỏng, lại bị bong tróc, làm lộ ra lớp da non yếu ớt. Lớp da này tiếp xúc với tia cực tím sẽ khiến chúng bị thâm sạm nặng hơn.
Cung cấp ẩm cho môi bằng máy tạo ẩm
Máy tạo ẩm là công cụ làm ẩm không gian bằng cơ chế phun sương siêu mỏng, vừa làm tăng độ ẩm trong nhà, vừa làm sạch không khí (do kéo bụi bẩn xuống nền nhà), vừa làm mát (hạ nhiệt cỡ 5 – 7 độ). Một công được rất nhiều việc. Tuy nhiên, giá thành so với các phương pháp trên thì không dễ chịu lắm, bạn nên cân nhắc.
Xem thêm: [REVIEW] Son dưỡng môi có màu LIP BALM – Yves Rocher 2020
Trên đây là một số thông tin quan trọng về cách trị môi khô nứt nẻ, bong tróc và thâm sạm từ thiên nhiên ngay tại nhà để có một đôi môi đẹp, hy vọng bài viết sẽ hữu ích với bạn.